Khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau nhiều tháng gián đoạn vì giãn cách, thời trang – lĩnh vực không nằm trong nhóm hàng hoá thiết yếu – cũng cố gắng bắt nhịp để phục hồi và đáp ứng nhu cầu lớn của người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh các bộ sưu tập đơn lẻ của từng thương hiệu, thị trường còn chào đón các bộ sưu tập chung phiên bản giới hạn. Trong số đó, những chiếc áo và quần có tên vừa lạ vừa quen như “Kẹt xe”, hay “Chung cư” gây một số chú ý nhất định bởi là “đứa con chung” của hai thương hiệu Việt vốn khác biệt về phong cách.
Chúng nằm trong bộ sưu tập có tên “Người đô thị” được kết hợp bởi Catsa – đề cao tính tiện dụng, thoải mái và tối giản, cùng với Môi Điên – nổi tiếng với tính sáng tạo, đột phá và thích thiết kế trên vải bằng các kỹ thuật thủ công… Đặc biệt hơn, nó là cú bắt tay của hai gương mặt “Forbes 30 Under 30”, cùng kinh doanh về thời trang.
Nguyễn Thuỳ Linh Cát, Nhà sáng lập kiêm CEO của Catsa gầy dựng thương hiệu từ năm 20 tuổi, khi cô còn ngồi trên giảng đường đại học. Chuỗi thời trang của cô đến nay đã 10 tuổi, có 21 chi nhánh. Trong khi đó, Môi Điên ra đời năm 2016, sau khi Tom Trandt (Trần Minh Đạo) rời bỏ công việc thiết kế tại một hãng thời trang cao cấp ở New York trở về Việt Nam. Trước đó, anh tốt nghiệp trường thiết kế Parsons (Mỹ). Cát vào danh sách “Forbes 30 Under 30” năm 2018 còn Tom được xướng tên năm 2020.
Nói với VnExpress, cả hai cho biết sự hợp tác chính là trao đổi năng lượng nhanh nhất, để tạo sức mạnh chung khi cạnh tranh trước hàng loạt ông lớn nước ngoài. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Virac, ngày càng nhiều hãng thời trang quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam, với khoảng hơn 200 thương hiệu từ tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức.
“Tôi nhận ra mình nên kết hợp với nhiều thương hiệu nội địa để cùng tạo ra một thị trường nội địa sung sức hơn trong bối cảnh nhiều thương hiệu quốc tế đổ bộ vào và được giới trẻ đón nhận nhiệt tình”, Cát nói. Do hai cá tính thời trang khác hoàn toàn, phân khúc khách hàng cũng riêng nên quyết định hợp tác – nhất là trong mùa dịch – đã mang đến cho họ nhiều thách thức.
Ý tưởng hợp tác ban đầu có từ trước Tết 2021 để làm bộ sưu tập hè, thời gian triển khai trong 1-2 tháng nhưng cuối cùng kéo dài 11 tháng, chuyển thành bộ sưu tập thu – đông. “Tôi từng lo lắng làm sao để cả 2 tìm được điểm chạm trong thời gian ngắn nên dự án kéo dài đến một năm. Suốt thời gian đó, nhiều lần tôi nhắn Cát rằng, điểm tôi khâm phục nhất ở cô ấy là sự kiên nhẫn”, Tom nói.
Từ tháng 3/2021, ý tưởng và hướng đi cả hai mong muốn hoàn toàn khác nhau. Đến tháng 4 và thời gian nghỉ dịch, hai bên ngồi lại với nhau nhiều lần để tìm một hướng chung. Cát là người chuyên về kinh doanh, quen với việc tuân thủ deadline trong khi Tom mang chất nghệ sỹ, làm việc cần có cảm hứng.
“Ngày trước, tôi sẽ rất nóng lòng khi trễ hạn nhưng kinh nghiệm giờ là phải nương theo để các bạn tự do sáng tạo”, Cát nói.
Dung hòa phong cách làm việc chỉ mới là bước đầu, cả hai còn phải nương theo sự bất định của dịch bệnh để thay đổi dự án nhằm phù hợp với thị trường và bối cảnh. Ban đầu, họ định làm một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ du lịch Việt Nam. Nhưng trong thời gian giãn cách, ý tưởng không còn hợp thời khi mọi người phải ở nhà.
Thay vào đó, những “đặc sản” của chính đô thị, phố xá chính là điều nhiều người nhung nhớ. Vì vậy, cả hai chuyển hướng vẽ ra chiếc “áo khoác Kẹt xe” hay “quần Triều cường”, là tên của hai sản phẩm trong bộ sưu tập.
“Tự nhiên lúc đó kẹt xe cũng là một điều gì đó rất xa xỉ, dù rằng trước đó mình ghét. Lên mạng thấy đường phố vắng tanh, sống ở Sài Gòn đã lâu, mình cảm được điều đó nên cùng Tom quyết định phác họa những cái rất bình thường của đô thị”, Cát kể lại. Bộ sưu tập của họ vì thế có những chiếc áo tên “Chung cư” hay “Tổ dân phố”.
Chốt ý tưởng nhưng thử thách vẫn chồng chất. Thiết kế xong, họ không thể ra ngoài mua vải, nguyên liệu để sản xuất vì giãn cách. Phải đợi đến tháng 10 khi được mở cửa, họ mới chạy đua làm và chỉnh rập. Xong rập, nhà xưởng F0 tràn lan. “Khi có F0, hoạt động của xưởng chậm trễ hẳn”, Cát nói.
Ngoài ra, nếu thời trang của Catsa xưa nay theo hướng đơn giản thì bộ sưu tập với phong cách của Môi Điên khiến sản xuất mất thời gian hơn. Để có thể đảm bảo tính ứng dụng, tiện nghi của Catsa nhưng vẫn gửi gắm sự “cồng kềnh” vốn có của Môi Điên, họ lựa chọn những chất liệu vải seasonal như khaki, thun cotton 4 chiều phối cùng những nguyên vật liệu khoen kim loại, móc gài.
Một số mẫu còn sử dụng các kỹ thuật may đắp vải phức tạp. “Ví dụ như cái áo ‘Chung cư’ là từ những miếng vải nhỏ ráp lại. Hay những tiểu tiết trong thiết kế khiến việc sản xuất rất kỳ công”, Cát chia sẻ.
Họ dự kiến tháng 11 ra mắt nhưng dịch bệnh khiến sản xuất đình trệ. Khi khởi động lại, giá nguyên vật liệu tăng vọt, vận chuyển cũng mất thời gian hơn. Nếu bộ sưu tập bán trễ hơn nữa lại lỡ dịp không khí đô thị do xã hội trở lại bình thường và sẽ trùng với mùa các bên ra bộ sưu tập có văn hóa Tết.
“Có thời điểm tôi rất stress nhưng nghĩ đã đi tới đây rồi mà bỏ cuộc sẽ rất đáng tiếc. Nghĩ đến việc đội ngũ của mình và Tom đã tận lực hỗ trợ, tôi cố cân chỉnh những tiểu tiết để phù hợp với các thách thức”, Cát nói.
Linh Cát cho biết, kết quả kinh doanh của bộ sưu tập đến nay chưa đạt như kỳ vọng nhưng cô vẫn xem nó là một dự án thành công. Theo cô, nó mang lại nhiều bài học về cách cộng tác, làm ra sản phẩm, xây dựng hình ảnh. Bộ sưu tập cũng góp phần cho thấy các thương hiệu trẻ nội địa sẵn sàng hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh chung.
Hiện nay, cạnh tranh trên thị trường thời trang vẫn tiếp tục khốc liệt. Theo Euromonitor, ba doanh nghiệp đứng đầu top 10 bán lẻ thời trang đều là các doanh nghiệp nước ngoài. Theo sau họ là các doanh nghiệp Việt như Biti’s, Canifa, Việt Tiến, May 10… Một số được xem là có chỗ đứng trên thị trường nhưng chỉ tập trung ở phân khúc công sở. Vài tên tuổi từng một thời hoàng kim giờ rời cuộc chơi.
Vì vậy, cả hai tin rằng hợp tác giữa các thương hiệu vẫn là một trong những cách để có chỗ đứng vững chãi hơn. “Sau hợp tác với Cát, chúng tôi cũng nghĩ đến những hợp tác khác cho năm 2022”, Tom nói.
Môi Điên nhận thức luôn có những guồng máy xung quanh và ngân sách của người tiêu dùng thì giới hạn ở một con số nhất định. Cho nên, dù không cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu quốc tế, họ cũng bị ảnh hưởng nếu không cố gắng hết sức. Song, nhìn chung anh khá lạc quan.
“Tôi tin mỗi lực tác động nào cũng có những phản lực có cùng độ lớn nhưng ngược chiều. Khi các thương hiệu quốc tế đổ bộ vào thì lúc nào Việt Nam cũng luôn có những khát khao về thương hiệu bản địa và người tiêu dùng tìm về với những thương hiệu bản địa nhiều hơn. Đó là cái mà Tom có lợi thế. Kiểu như thị trường càng bão hòa, người ta càng đi tìm cái gì đó càng đặc biệt”, anh nói.
Viễn Thông
Link bài viết: https://vnexpress.net/hai-guong-mat-30-under-30-tim-cho-dung-cho-thoi-trang-viet-4422303.html