Bé được đưa vào Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cấp cứu. Bác sĩ bù nước, điện giải, hạ sốt và giảm đau, sau đó chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phẫu thuật cắt ruột thừa. Hậu phẫu, bệnh nhi được theo dõi tình trạng sức khỏe ba ngày, sau đó xuất viện.
Ngày 10/12, ThS.BS Lâm Thiên Kim, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm ruột thừa chia ra nhiều mức độ như viêm ruột thừa cấp, viêm ruột thừa mủ, viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa. Tất cả đều nguy hiểm và cần cấp cứu ngoại khoa, nếu không có thể gây tử vong. Một biến chứng ít gặp là đám quánh ruột thừa, có thể không cần phẫu thuật nhưng phải theo dõi đề phòng tắc ruột, đau bụng kéo dài…
Viêm ruột thừa mủ ít khi phát hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Do trẻ chưa biết cách mô tả cơn đau và triệu chứng nên thường được phát hiện khi ruột thừa đã vỡ. Dấu hiệu điển hình là đau bụng, ban đầu cơn đau âm ỉ quanh rốn, sau đó chuyển sang vùng hố chậu phải. Người bệnh có thể ho, sốt, kèm tiêu chảy, biếng ăn, quấy khóc… dễ nhầm các bệnh liên quan đến tiêu hóa thường gặp. Viêm ruột thừa mủ có thể xảy ra do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, tắc nghẽn do sỏi phân hoặc khối u.
Để phát hiện bệnh sớm, bác sĩ Kim khuyến cáo phụ huynh cho trẻ đến bệnh viện khám khi có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt… Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt ruột thừa cần tránh hoạt động quá sức, nên đi bộ nhẹ, nghỉ ngơi thoải mái để cơ thể nhanh phục hồi. Người bệnh uống kháng sinh, tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link bài viết: https://vnexpress.net/be-trai-bi-viem-ruot-thua-mu-4825948.html