Chỉ chăm sóc da mặt
Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Mona Gohara, thành viên ban cố vấn tạp chí Women’s Health (Mỹ) luôn nhắc nhở khách hàng chăm sóc làn da toàn thân như cách chăm sóc da mặt. “Rất nhiều người dành công sức chăm sóc da mặt nhưng lại bỏ qua phần da còn lại”, bà nói.
Đặc biệt, trong mùa đông, mọi người dễ bỏ qua chăm sóc sức khỏe, “đợi đến mùa xuân rồi tính”. Tuy nhiên, bà khuyên đừng vì người khác không thấy đôi chân sau lớp giày mà nghĩ nó không xứng được chăm sóc.
Nếu quy trình chăm sóc da mặt đã hoàn hảo, hãy đầu tư mức độ chăm sóc tương tự vào cơ thể. Tẩy tế bào chết cho khuỷu tay, đầu gối và gót chân, đồng thời sử dụng các loại sữa rửa mặt và kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng như cách bạn chăm sóc da mặt.
Làm sạch da quá mức
Không nên rửa mặt quá kỹ làm kích ứng da. Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Sherwin Parikh (New York, Mỹ), cho biết quan trọng nhất là làm sạch trong khi vẫn duy trì lớp bảo vệ da khỏe mạnh.
Hiện tượng làm sạch quá mức chủ yếu xuất hiện khi sử dụng quá nhiều nước nóng hoặc các sản phẩm tạo bọt mạnh.
Tự làm sản phẩm chăm sóc da
Tiến sĩ Gohara cho biết các thành phần tự nhiên có thể gây hại nếu bạn không cẩn thận.
“Một số thành phần làm đẹp tự làm rất phổ biến, nhưng có thể khiến da bạn tệ hơn sau khi sử dụng. Ví dụ chanh làm mờ vết thâm nhưng có tính axit, dễ gây bỏng cho da. Nghệ có thể làm ố da”, bà nói.
Tẩy tế bào chết quá mức
Tẩy tế bào chết quá nhiều có thể gây hại cho làn da của bạn. Bác sĩ da liễu Ava Shamban (ở California, Mỹ) cảnh báo, những người sử dụng retinoid, chất lột da phức hợp axit, miếng dán, enzyme và chất tẩy tế bào chết vật lý nên cẩn thận để không làm hỏng hàng rào bảo vệ da và sự cân bằng cần thiết.
“Kích ứng, viêm, đỏ, ngứa, bong tróc và căng cứng đều là những kết quả thường gặp khi da bị quá tải”, bà nói.
Tự nặn mụn
Chuyên gia cho rằng khi cố nặn mụn, bạn có thể đẩy nhiễm trùng sâu hơn vào các tuyến dầu và các lớp da.
“Đây là nguyên nhân gây mụn mới và sẹo”, tiến sĩ Madhuri Agarwal, nhà sáng lập, giám đóc y khoa Yavana Aesthetics Clinic, nói.
Không có phương pháp chăm sóc da toàn diện
“Bạn nên chăm sóc sức khỏe làn da của mình như cách bạn chăm sóc sức khỏe tim mạch, não bộ hoặc cơ xương khớp”, tiến sĩ Gohara cho biết.
Những gì bạn thoa lên da đều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là lối sống. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc đều có lợi cho làn da. Kiểm soát căng thẳng cũng là cách giữ gìn làn da. Khi bị căng thẳng và cortisol tăng cao, làn da dễ bị viêm và nổi mụn hơn.
Link bài viết https://vnexpress.net/6-sai-lam-khi-cham-soc-da-4820054.html